CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ XÁ LỢI PHẬT: DI SẢN KHẢO CỔ, SỰ THẬT LỊCH SỬ VÀ BIỂU TƯỢNG TÂM LINH CỦA NHÂN LOẠI

- Ngộ Minh Chương -

🪷Nhân dịp Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 – sự kiện thiêng liêng và trọng đại của cộng đồng Phật giáo toàn cầu – Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã long trọng cung rước xá lợi Đức Phật từ Ấn Độ về Việt Nam, thông qua sự phối hợp ngoại giao giữa hai chính phủ Việt Nam – Ấn Độ và sự thỏa thuận của hai Giáo hội Phật giáo. Trong niềm xúc động thiêng liêng của hàng triệu tín đồ, xá lợi đã được tôn trí tại chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), tạo điều kiện để cộng đồng Phật tử và nhân dân thập phương chiêm bái, đảnh lễ.

🪷Sự kiện này không chỉ là biểu tượng của niềm tin tâm linh, mà còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và khảo cổ học sâu sắc. Tuy nhiên, trong khi hàng triệu người hoan hỷ đón mừng, không ít người – đặc biệt là giới trẻ hiện đại – vẫn thắc mắc, không hiểu thậm chí hoài nghi: “Xá lợi là gì?”, “Phật là nhân vật có thật hay chỉ là truyền thuyết?”, “Vì sao sau hơn 2.500 năm vẫn còn xá lợi?”, “Liệu đây có phải chỉ là sản phẩm của niềm tin hay là một dạng mê tín?”, “liệu có phải tóc ngọ ngoạy như một cọng cỏ”, “chiêm bái, đảnh lễ xá lợi thì được gì”… Bài viết này xin trình bày toàn diện từ góc độ khảo cổ, lịch sử và Phật học, nhằm làm rõ những nghi vấn đó.

🪷1. Xá lợi Phật: Chứng tích khảo cổ, không phải huyền thoại
Trong tiếng Phạn, "xá lợi" (śarīra) có nghĩa là phần thân thể còn lại sau khi hỏa táng của một bậc thánh hay một bậc giác ngộ, tiêu biểu là Đức Phật Thích Ca. Khác với tro bụi thông thường, xá lợi có thể là các mảnh xương, răng, hoặc tinh thể kết tụ lại thành viên tròn nhỏ, được bảo tồn một cách kỳ lạ qua hàng thiên niên kỷ. Trong trường hợp của Đức Phật, xá lợi phần lớn là màu trắng đục, giống màu xương tự nhiên, không lung linh hay lấp lánh như nhiều hình ảnh sai lệch lan truyền trên mạng xã hội (ví dụ "xá lợi ngũ sắc", "xá lợi tóc ngọ ngoạy"... vốn không có cơ sở khảo cổ).

Về mặt khảo cổ, sau khi Đức Phật nhập diệt tại Kushinagar (Ấn Độ ngày nay), xá lợi của Ngài được chia thành 8 phần cho các quốc gia và bộ tộc thời đó, rồi được an trí trong các tháp mộ (stupa). Theo văn bản cổ và các khám phá khảo cổ hiện đại, những phần xá lợi đó đã được đào tìm và xác lập tại nhiều khu vực như Piprahwa (Ấn Độ), Bhattiprolu, Sanchi, Amaravati (Ấn Độ), Anuradhapura (Sri Lanka), và các nước Phật giáo khác như Myanmar, Thái Lan.

Đặc biệt, trong một khám phá nổi tiếng vào năm 1898 tại Piprahwa – nơi được xác định là Kapilavastu xưa, nhà khảo cổ người Anh William Peppé đã phát hiện một hộp đựng xá lợi bằng đá sa thạch, bên trong có các mảnh xương và văn khắc Brahmi cổ ghi rõ: “Đây là xá lợi của Đức Phật Thích Ca thuộc dòng họ Śākya”. Khám phá này đã làm chấn động giới khảo cổ và là bằng chứng không thể phủ nhận về sự hiện hữu của Đức Phật và di vật của Ngài.
Các mẫu xương xá lợi tại đây đã được các nhà nghiên cứu hiện đại như K.T.S. Sarao, R. Coningham… đem đi giám định khoa học bằng phương pháp định tuổi phóng xạ C14, cho kết quả trùng khớp với niên đại thế kỷ V–VI trước Tây lịch – thời kỳ Đức Phật lịch sử được sinh ra. Bên cạnh đó, phân tích ADN cổ (ancient DNA) cho thấy vật liệu sinh học là xương người thật, có mật độ khoáng chất cao, phù hợp với quá trình hỏa táng cổ đại. Những điều này không thể làm giả bằng kỹ thuật thông thường.
Như vậy, xá lợi không phải là "đồ trang sức mê tín" hay "thần thoại tôn giáo", mà là di sản khảo cổ đích thực – một phần thi thể của Đức Phật, được bảo tồn nhờ hình thức nghi lễ, điều kiện địa lý và sự cung kính tuyệt đối của các quốc gia Phật giáo.

2. Phật là người có thật trong lịch sử, không phải thần thoại

Một trong những lý do khiến công chúng hoài nghi xá lợi là vì họ cho rằng “Phật chỉ là truyền thuyết”. Tuy nhiên, điều này không đúng về mặt học thuật.

Các nghiên cứu hiện đại – từ Ấn Độ học, khảo cổ học, ngữ văn Pali/Sanskrit cho tới lịch sử Đông Nam Á – đã xác nhận rằng Siddhartha Gautama (tức Đức Phật Thích Ca) là một nhân vật lịch sử, sinh ra vào khoảng năm 563 TCN tại Kapilavastu, thuộc bộ tộc Śākya, vùng biên giới Ấn Độ – Nepal ngày nay.

Không chỉ có các văn bản Phật giáo sớm như Kinh Tạng Nikāya và A-hàm ghi lại đầy đủ tiểu sử, mà còn có các văn bản phi Phật giáo như biên niên sử của vương triều Maurya, bia ký thời vua A Dục (Ashoka, thế kỷ III TCN)… đã xác minh thời gian, địa điểm và ảnh hưởng của Đức Phật đối với xã hội Ấn Độ. Các di tích tại Lumbini, Bodh Gaya, Sarnath, Kushinagar đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới trên cơ sở khảo cổ, không phải truyền thuyết.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

image