Học cách tinh tấn: bền bỉ nhưng không vội vàng
Trong bất cứ việc gì, nếu không có tâm đại hùng, đại lực thì chúng ta không thể có thành tựu, không thể đạt được chí nguyện của mình, cho dù chúng ta đi trên đường đời hay đường đạo. Nếu không có tâm dũng mãnh, chí nguyện kiên cường thì ta không có sự tinh tấn, mà thiếu tinh tấn thì dẫn đến cái gì? Tinh tấn là siêng năng, siêng năng không có thì sinh ra gì? Sinh ra cái lười biếng, giãi đãi. Mà một khi giãi đãi, lười biếng thì mình dễ lui sụt trên con đường của mình. Đời hay đạo cũng vậy. Vì vậy, chúng ta cần phải siêng năng, tinh tấn. Đó là lời Phật dạy.
Tinh tấn là gì? Là siêng năng liên tục. Không hấp tấp, cũng không trì hoãn, nhưng mình phải đều đặn. Tinh tấn giống như khi mình cà hai miếng gỗ với nhau, nếu mình dừng nửa chừng thì sẽ không tạo ra lửa, cho nên mình phải cà hai miếng gỗ đó liên tục cho đến khi phát ra lửa.
Hoặc giống như khi mình hầm một nồi bắp, không phải là bắp trái thông thường, mà là “bắp chà”. Loại bắp này, mình phải vặn lửa vừa và đều rồi hầm thật lâu mới mềm được. Tinh tấn cũng vậy, cũng phải kiên trì và đều đặn như khi mình nấu bắp hay cà lửa. Nếu mình không tinh tấn, hễ mỏi tay là dừng thì sẽ không có thành tựu.
Tinh tấn nói nôm na là siêng năng, nhưng không phải là kiểu siêng năng dồn dập nhất thời, thích thì làm liên tục, còn không thích thì nghỉ. Không phải vậy. Tinh tấn là phải liên tục.
Đó là một trong những điểu quan trọng mà Thầy Thích Pháp Hòa nhấn mạnh trong cuốn sách Con đường chuyển hoá của mình. Hãy luôn ghi nhớ rằng tinh tấn là chìa khóa giúp ta đạt được mục tiêu, dù trong đời sống hay tu tập!
